Hội chợ triển lãm năm nay được tổ chức với quy mô khá lớn, thu hút 11 huyện và hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam đăng ký tham gia trưng bày sản phẩm. Tại đây có gần 100 gian hàng cùng hàng nghìn mặt hàng đặt trưng của từng địa phương miền núi được trưng bày. Trong đó chủ yếu là các nông lâm, thổ sản do đồng bào dân tộc thiểu số làm ra. Cùng với đó là nhiều loài cây dược liệu có giá trị kinh tế rất cao như sâm Ngọc Linh, sâm ba kích, đản sâm, đương quy… cũng được đem đến trưng bày để quảng bá sản phẩm. Nhân cơ hội này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng, điện tử, gia dụng từ đồng bằng cũng đem đến nhiều sản phẩm mới, lạ để hướng đến thị trường miền núi.
Lãnh đạo tỉnh và huyện Nam Trà My cắt băng khai mạc hội chợ
Qua tìm hiểu, hầu hết các sản phẩm tham triển lãm lần này khá xa lạ với thị trường tiêu dùng. Vì lâu nay việc sản xuất của người dân bản địa chỉ mang tính tự cung, tự cấp tại chỗ nên chưa hình thành hàng hóa. Đến với hội chợ, nhiều mặt hàng có cơ hội mở rộng phát triển và thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp để liên kết đầu tư, tiêu thụ một cách bền vững.
Hàng dược liệu Nam Trà My tham gia triển lãm
Anh Nguyễn Đỗ Trí ở tại xã Trà Cang đã mang tới hội chợ triển lãm khá nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như sâm nam, sâm Ngọc Linh, sâm dây, tiêu rừng, heo đen, giảo cổ lam... “Đây đều là những mặt hàng có thế cạnh tranh lớn nếu gia nhập thị trường hiệu quả. Hàng hóa nông sản ở Trà Cang được bà con tự tay làm ra. Các sản phẩm thu hái, khai thác rất thủ công. Đa số các sản phẩm này ít được mọi người biết nên qua hội chợ lần này chúng tôi mong muốn nhiều người biết đến, nhiều doanh nghiệp quan tâm liên kết để liên kết sản xuất đưa ra thị trường một cách rộng rãi và đa dạng về sản phẩm” – anh Trí chia sẻ.
Du khách thăm quan các mặt hàng nông sản đặc trưng
Còn đối với các doanh nghiệp thì khi tham gia hội chợ lần này không những là dịp để quảng bá sản phẩm đơn vị mình mà từ đây còn nhận dạng tiềm năng từ các mặt hàng của miền núi để tìm cơ hội đầu tư phát triển để mở rộng sản xuất, giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản miền núi. Ông Phạm Văn Hậu - Cty CP Dược – sâm Ngọc Linh Quảng Nam cho biết: “Công ty mong muốn hợp tác với người dân vùng núi để phát triển sản xuất. Ở đây có cây quế, giảo cổ lam, sâm nam, sâm ba kích và một số loài dược liệu quý của miền núi Quảng Nam rất có giá trị, là cơ hội để chúng tôi liên kết phát triển vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm của bà con để đa dạng hàng hóa cung ứng ra thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Kỳ thú thăm quan sản phẩm đặc trưng miền núi
Hiện nay tỉnh Quảng Nam đang tạo nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để hàng hóa nông sản ở khu vực miền núi gia nhập thị trường tiêu thụ trong cả nước. Trong đó chú trọng hướng đến những sản phẩm nông sản sạch, an toàn và thân thiện với sức khỏe. Đồng thời cũng đang từng bước xây dựng chỉ dẫn địa lý cho từng sản phẩm đặc trưng để tiến tới xây dựng thương hiệu. Từ đó sẽ giúp cho người dân khu vực 9 huyện miền núi có điều kiện mở rộng sản xuất, tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống. “Chúng tôi phối hợp tổ chức hội chợ lần này là nhằm quảng bá, tạo điều kiện cho sản phẩm đặc trưng ở miền núi Quảng Nam có điều kiện tiếp cận các thị trường trong và ngoài tỉnh. Và đặc biệt đây còn là chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để bà con tiếp cận hàng tiêu dùng một cách rộng rãi”- Ông Nguyễn Thanh Quang – Phó GĐ Sở Công thương Quảng Nam cho biết.
Đây là cơ hội để nông sản miền núi gia nhập thị trường
Tại hội chợ, nhiều mặt hàng trưng bày đã được khách hàng đến mua khá nhộn nhịp. Trong đó chủ yếu là những sản phẩm được người dân miền núi làm ra. Đây là lần thứ hai hội chợ triển lãm hàng nông sản đặc trưng miền núi được tổ chức tại Nam Trà My, địa phương đang được tỉnh Quảng Nam xây dựng thành vùng dược liệu phong phú của quốc gia. Qua hoạt động xúc tiến thương mại này đã góp phần rất đáng kể để hàng hóa khu vực miền núi tiến vào thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Từ đó sẽ thúc đẩy kinh tế nông thôn miền núi được mùa, được giá, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.