Mỗi gốc sâm lớn lên đều có bàn tay chăm bón, bảo vệ của ông Du
Khi vườn sâm trúc trong Trạm dược liệu Trà Linh được hình thành thì ông Du cùng các công nhân túc trực quanh năm, suốt tháng ở đây để chăm sóc, bảo vệ cây sâm trước sự xâm hại của thiên nhiên, thú rừng và con người. Đến năm 1987, do yêu cầu mở rộng diện tích vườn sâm nên số lượng công nhân được tuyển dụng thêm. Cũng từ vườn sâm này Hồ Văn Du đã đem lòng yêu chị Hồ Thị Hai là công nhân Trạm dược liệu. Từ lòng yêu sâm và sự chịu thương, chịu khó nên họ đã nên duyên vợ chồng và sinh được 2 người con. Đến nay các con của họ cũng theo nghiệp cha, mẹ tham gia bảo vệ vườn sâm Nhà nước tại Trạm dược liệu Trà Linh. Do những ngày đầu mới lập gia đình, đồng lương ít ỏi mà nương rẫy thì lại không có nên vào những lúc rảnh rỗi cả 2 vợ chồng ông lại vào rừng mót sâm tự nhiên đưa về trồng bên cạnh vườn sâm của Nhà nước để đảm bảo kinh tế gia đình ổn định. Kể từ năm 1998 đến nay, hằng năm gia đình ông bán hơn 10 kg sâm Ngọc Linh của riêng mình. Nhờ đó nên cuộc sống đã khấm khá, không còn đói nghèo, vật dụng sinh hoạt gia đình được sắm sửa đầy đủ, tiện nghi. Hiện nay, gia đình ông Du đang có trong tay gần 10 nghìn gốc sâm trúc hơn 10 năm tuổi. Cứ tính bình quân 3 gốc sâm nặng 1 lạng và có giá khoảng 2,5 triệu đồng thì tính ra vườn sâm của gia đình anh Du trị giá gần chục tỉ đồng. Không chỉ là người có vai trò to lớn trong việc bảo tồn và phát triển vườn sâm Nhà nước mà anh Hồ Văn Du còn là một người Xê Đăng giàu nghị lực biết làm giàu một cách chính đáng trên quê hương mình. Từ những gốc sâm của gia đình, ông Du đã dựng được 3 căn nhà kiên cố nền lán gạch men, lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời, máy xay xát, đào ao thả cá… Năm 2014 ông được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Trạm dược liệu Trà Linh, nơi đã gắn bó trong hơn 35 năm qua. “Hạnh phúc nhất của tôi bây giờ là hằng ngày nhìn thấy vườn sâm trong Trạm dược liệu mọc lên xanh tốt. Mong sao thời gian tới Nhà nước phải quan tâm đầu tư phát triển mạnh cho cây sâm trúc và vận động nhân dân ở Trà Linh ai cũng tham gia trồng sâm vì nó quý lắm, nó là cây làm giàu cho người Xê Đăng ở đây!”.
Dành hơn nửa đời người để chăm sóc và bảo tồn cây sâm Ngọc Linh nên đến nay, vườn sâm tại Trạm dược liệu Trà Linh mà ông Du quản lý đã có 126 nghìn gốc sâm sinh trưởng trên diện tích 10 ha. Sắp tới ông Du được giao nhiệm vụ nhiệm vụ mở rộng diện tích trồng sâm lên 44 ha.
Giờ đây ông Hồ Văn Du đã hiểu rất rõ về loại cây dược liệu quý hiếm này. Những kinh nghiệm đúc kết qua quá trình chăm bón, thu hoạch hạt và kỹ thuật gieo ươm hiệu quả nhất được ông hướng dẫn tỉ mỉ cho anh em công nhân để tiếp tục gìn giữ sâm Ngọc Linh cho mai sau. “Nếu thần núi còn cho tôi khỏe mạnh thì mình sẽ tiếp tục gắn bó với cây sâm đến khi nào đôi chân không leo núi nữa thì thôi!”- ông Du khẳng định.
Tác giả: Hoàng Thọ
[Trở về]
Các tin mới:
Các tin khác: