Nam giai đoạn 2020 - 2025”. Đề án này sẽ được trình kỳ họp HĐND tỉnh vào cuối năm.
|
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống miền núi đang đứng trước nguy cơ mai một, cần được triển khai bảo tồn cấp thiết.Ảnh: X.H |
Nguy cơ mai một
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, đây là đề án rất cần thiết để triển khai khẩn cấp việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào miền núi Quảng Nam. Các chuyên gia, cộng đồng miền núi qua nhiều lần khảo sát của Sở VH-TT&DL đều cho rằng, đã đến lúc các giá trị văn hóa miền núi cần được bảo tồn cấp thiết trước nhiều tác động lẫn nguy cơ mai một. Hiện tại, Quảng Nam chủ yếu có các dân tộc thiểu số Cơ Tu, Xê Đăng (bao gồm cả nhóm Ca Dong, Mơ Nâm), Giẻ - Triêng, Co, Bh’noong... với khoảng 125.000 người, chiếm tỷ lệ 8,93% dân số toàn tỉnh. Theo đó, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đã trở thành một nhân tố cơ bản cho sự phát triển bền vững xã hội vùng miền núi, góp phần bảo vệ an ninh chính trị và quốc phòng vùng biên giới của đất nước.
Tuy nhiên, theo nhận định, tác động mạnh mẽ của thời đại công nghệ, kỹ thuật số sẽ ảnh hưởng đến những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của tỉnh. “Ngôn ngữ chữ viết, một dạng thức đặc biệt của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của tỉnh ít nhiều bị thu hẹp, lãng quên. Gươl, nhà rông mất dần và được phục hồi theo những mô thức biến dạng. Trang phục, ẩm thực, lễ hội, nghệ thuật dân gian... cũng theo đó hoặc bị mất mát, thất truyền hoặc bị biến dạng, đặc biệt các lớp nghệ nhân gắn với nghề dệt thổ cẩm, điêu khắc, văn nghệ dân gian, nghệ nhân nắm giữ những tri thức bản địa... đang ngày càng vắng bóng” - ông Nguyễn Thanh Hồng nói.
Nhiều đại biểu tại cuộc họp đều chung nhìn nhận về sự mai một của rất nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó ngôn ngữ, chữ viết đang dần trở nên khó khăn với lớp trẻ. Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, hiện nay, lớp trẻ nếu biết cả nói và viết tiếng của đồng bào mình rất ít, thậm chí rất nhiều em không biết nói ngôn ngữ của đồng bào mình. Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, ngay tại địa phương, các nhà làng truyền thống hiện không giữ được nguyên trạng, trang phục của đồng bào cũng khó mà giữ được, tiếng nói chữ viết rất ít được lớp trẻ sử dụng.
Cần sự giám sát của cộng đồng
Đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy một số loại hình văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2025” nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi từng bước giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc. Theo đó, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My và Hiệp Đức sẽ nằm trong phạm vi hỗ trợ của đề án.
Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số miền núi cần phù hợp với điều kiện thực tế từng địa bàn, từng dân tộc. Nhiều đại biểu cho rằng, các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số miền núi khi triển khai phải có sự tham gia, giám sát của cộng đồng, tôn trọng cộng đồng, lấy cộng đồng các dân tộc làm chủ thể trong việc bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống.
Theo dự thảo đề án, nguyên tắc bảo tồn được kết hợp theo các hình thức bảo tồn từ bảo tồn tĩnh (bảo tồn trong sách vở, bảo tồn trong bảo tàng, nhà truyền thống…) đến bảo tồn động (bảo tồn các giá trị văn hóa tồn tại trong cộng đồng dân cư, làng bản), bảo tồn nguyên dạng (bảo tồn đúng với nguyên gốc truyền thống của mỗi dân tộc), bảo tồn thích nghi (bảo tồn dựa trên cơ sở truyền thống nhưng có biến đổi, thích nghi với sự phát triển của xã hội). Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 245 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư phát triển (để hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa các nhà làng truyền thống) là hơn 150 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ các nội dung còn lại là hơn 94 tỷ đồng.