Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Xây dựng thương hiệu

Nam Trà My là huyện vùng núi cao. Nơi đây đang bảo tồn rất nhiều loại nông lâm, thổ sản có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên do khâu xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm nên việc khai thác giá trị kinh tế các mặt hàng truyền thống của đồng bào các dân tộc còn bỏ ngỏ. Trước thực trạng này, huyện Nam Trà My đã tổ chức hội chợ triển lãm để giới thiệu sản phẩm và thu hút đầu tư.

Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn và sản phẩm đặc trưng của các địa phương, đồng thời là dịp để bình chọn sản phẩm tiêu biểu của huyện Nam Trà My được tổ chức từ ngày 18 đến 21/8. Đây là hoạt động lần đầu của huyện miền núi này với mục đích giới thiệu sản phẩm đặc trưng đến với công chúng và thu hút doanh nghiệp cả nước vào đầu tư. Qua đó sẽ tiến đến xây dựng, quảng bá thương hiệu cho từng sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Triển lãm thu hút 22 giang hàng trưng bày sản phẩm truyền thống đến từ Nam Trà My, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước và các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng từ TP Tam Kỳ và Đà Nẵng. Riêng đối với Nam Trà My có 12 giang trưng bày các sản phẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc. Điển hình như sâm Ngọc Linh, sâm nam, quế, giảo cổ lam, măng nứa, sơn tra, cá niên khô, heo đen, rau xanh đặc hữu và các mặt hàng dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống.

          Đến với triển lãm hội chợ lần này, đồng bào Xê Đăng ở xã Trà Nam trưng bày nhiều mặt hàng đặc trưng như sâm nước, măng rừng, sâm nam, bí thượng, giảo cổ lam… Tuy nhiên do chưa có thương hiệu cũng như việc liên kết thu mua chưa hình thành nên hầu hết các sản phẩm làm ra chỉ mang tính tự cung tự cấp, mặc dù giá trị kinh tế các mặt hàng này là rất cao. Vì thế khâu sản xuất hàng hóa chưa được nhân dân tập trung phát triển. Ông Trần Minh Tuấn -Trưởng gian hàng Xã Trà Nam cho biết “Đây là sản phẩm truyền thống của đồng bào địa phương, gắn bó với cuộc sống người dân từ bao năm nay và có giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên do khâu quảng bá thương hiệu cũng như công tác trưng bày, giới thiệu sản phẩm đối với thị trường chưa thực hiện được nên hiện tại giá trị kinh tế cũng như hiệu quả khâu sản xuất đem lại chưa cao.



Đa dạng các mặt hàng trưng bày tại triển lãm

Thực trạng này diễn ra ở hầu hết tất cả các địa phương trên địa bàn huyện Nam Trà My. Chính việc xây dựng thương hiệu cũng như kết nối để giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm chưa được quan tâm nên các mặt hàng làm ra luôn bị thương lái ép giá, chưa phát huy hiệu quả kinh tế để đồng bào các dân tộc nhanh chóng thoát nghèo. Bà La Thị Thanh Thủy- Trưởng gian hàng Xã Trà Don khẳng định: Hiện tại khâu kết nối sản phẩm ở Trà Don chủ yếu là bà con nhân dân tự bán cho những hộ buôn bán lẻ. Do đường giao thông đi lại giữa các thôn còn nhiều khó khăn cho nên thương lái chưa đến tận nơi. Giá cả thì bà con chỉ bán theo giá của người mua chứ chưa được bán theo quyền của người bán. Vì giá thấp nên bà con chưa mạnh dạn đầu tư”.


Rượu sâm Ngọc Linh

Việc tổ chức hội chợ triển lãm sản phẩm đặc trưng của huyện Nam Trà My với mong muốn quảng bá những mặt hàng công nghiệp nông thôn đến với với công chúng. Qua đây cũng tạo cơ hội để các doanh nghiệp đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, liên kết với các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số để tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định. Từ đó sẽ khai thác tiềm năng kinh tế các sản phẩm đặc hữu để góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn kiêm Trưởng ban tổ chức triển lãm cho biết:Chúng tôi tổ chức triển lãm để giới thiệu, quảng bá những hình ảnh sản phẩm của vùng Ngọc Linh, cao sơn ngọc quế đến với bạn bè và doanh nghiệp để nhằm thu hút mạnh đầu tư vào đây. Trong thời gian đến huyện chỉ đạo tập trung phát triển vùng sâm tại 7 xã vùng cao, đồng thời phát triển chuyên canh cây quế tại Trà Leng, Trà Dơn. Hiện nay huyện đang tham mưu cho tỉnh trình Chính phủ phê duyệt đề án phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2020. Huyện xác định đây là cây xóa đói giảm nghèo bền vững nhất cho đồng bào”.

          Để thu hút đầu từ từ bên ngoài huyện Nam Trà My đã ban hành nhiều cơ chế thông thoáng cho tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. Hiện nay đã có hàng chục doanh nghiệp khắp nơi trong cả nước đăng ký thuê đất dưới tán rừng ở vùng Ngọc Linh để trồng sâm, đồng thời cũng tiến đến xây dựng các nhà máy chế biến nguyên liệu tại chỗ. Với cách tư duy mới để thu hút đầu tư xã hội vào khai thác tiềm năng sản phẩm đặc trưng, huyện Nam Trà My đang phấn đấu xây dựng các thương hiệu để xuất khẩu ra bên ngoài. Từ đó khuyến khích nhân dân phát triển nguồn nguyên liệu để tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.

          Tại hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn và sản phẩm đặc trưng, huyện Nam Trà My cũng sẽ tiến hành bình chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương trong năm 2015. Từ đó tập trung xúc tiến khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu để chuyển thành sản phẩm hàng hóa cung ứng ra thị trường, tiến tới thành lập vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Qua đây sẽ thay đổi được tư duy sản xuất cho đồng bào địa phương.



Tác giả: Hoàng Thọ

[Trở về]

Các tin mới: